Văn hóa Doanh nghiệp, nền tảng phát triển bền vững

     Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng xây dựng văn hóa tại đơn vị. Đây được xem là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa…

     Hội Doanh nghiệp Phú Yên vừa phối hợp với LĐLĐ tỉnh khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Báo Phú Yên ghi lại ý kiến của lãnh đạo một số doanh nghiệp, đơn vị xung quanh vấn đề này.

     Văn hóa của một doanh nghiệp không chỉ thể hiện ở trách nhiệm xã hội mà còn là trách nhiệm với chính sản phẩm mình làm ra. Doanh nghiệp cần chăm chút cho sản phẩm của mình để xây dựng thương hiệu vững mạnh. Một thực tế đang diễn ra trên địa bàn tỉnh là sản phẩm của doanh nghiệp lúc đầu làm ra rất tốt nhưng lại không giữ vững được chất lượng theo thời gian, đánh mất niềm tin với khách hàng.

     Hàng năm, Hội Doanh nghiệp tỉnh thường tổ chức các hội thảo về phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp phải tự đổi mới phương pháp quản lý, điều hành thông qua công nghệ. Chính các doanh nghiệp cũng phải cải cách hành chính, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến với Nhà nước. Khi doanh nghiệp đã xây dựng thành công văn hóa tại đơn vị mình thì đây sẽ là kim chỉ nam của mọi thành công. Một doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa khi doanh nghiệp đó hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa tại DN; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

     Những năm gần đây, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động do Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo đã có những chuyển biến tích cực, gắn với phong trào xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

     Hiện nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho người lao động bằng những việc làm thiết thực. Ngoài chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức cho người lao động xuất sắc đi tham quan nước ngoài…

      Những phần quà ý nghĩa thể hiện sự tri ân đối với người lao động đã kịp thời động viên, khích lệ công nhân tích cực thi đua lao động sáng tạo. Có thể nói doanh nghiệp, công đoàn và người lao động sẽ đồng hành, gắn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đều căn cứ vào các tiêu chí đánh giá này để xét danh hiệu doanh nghiệp văn hóa.

     Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

      Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 với những ứng dụng công nghệ cao và sự sao chép có thể chỉ trong tích tắc.

      Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác, tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc. Từ đó, doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Robot khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối nhưng sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động. doanh nghiệp có phát triển bền vững trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn cần dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp.

     Văn hóa doanh nghiệp thì công ty nào cũng có, nhưng để áp dụng vào công việc, làm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh lại không phải điều đơn giản. Văn hóa doanh nghiệp phù hợp có thể tác động trực tiếp làm tăng kết quả kinh doanh một cách rõ ràng, giúp nhân viên gắn kết, khách hàng trung thành hay thậm chí là giúp doanh nghiệp phát triển bền vững theo thời gian.

     Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công thì vai trò của người lãnh đạo trong công tác nêu gương, “truyền lửa” đến người lao động rất quan trọng. Từ nhiều năm nay, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình được thực hiện xuyên suốt, song hành cùng sự phát triển của Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên. Việc này được thực hiện một cách đồng bộ từ lãnh đạo, các hội, đoàn thể đến toàn thể nhân viên công ty. Đơn vị đã xây dựng quy chế và đề ra các tiêu chí văn hóa cụ thể ở mỗi vị trí làm việc.

     Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức hoạt động tạo nền tảng, định hướng và xem mỗi cán bộ, công nhân viên là hạt nhân của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong công ty. Các nội dung liên quan đến văn hóa doanh nghiệp đều được phổ biến, thảo luận, góp ý sôi nổi trong các cuộc họp. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên triển khai công tác an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ các trường hợp khó khăn trên địa bàn tỉnh.

     Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Cốt lõi của văn hóa DN là hệ giá trị của doanh nghiệp.

      Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Ở Phú Yên, một số doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, chưa thực sự chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chưa quan tâm đến nhân tố văn hóa trong kinh doanh, đạo đức trong kinh doanh, chưa phát huy được sức mạnh nội lực tổng hợp của doanh nghiệp.

       Văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp luôn phấn đấu khẳng định vai trò, bản lĩnh của doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế của Phú Yên.

LĐLĐ tỉnh vừa tặng Bằng khen cho 7 doanh nghiệp có những nỗ lực trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây là hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh tại các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hồ Như (Báo Phú Yên)

 

Tin bài khác